Cái đẹp

Ngôn ngữ – tự nó đã là văn hóa, và văn hóa chính là điều cốt lõi của cái đẹp mà con người ta cảm nhận được trong cuộc đời. Do vậy mà khi nói đến cái đẹp, người ta không chỉ nói đến số đo mấy vòng hay cao bao nhiêu, gương mặt khả ái thế nào, mà người ta thường lồng vào câu hỏi “người đó có văn hóa hay không?” Đó mới là điều chủ yếu. Một cô gái xinh như người mẫu, một chàng thanh niên điển trai con nhà giàu, cả hai cũng đã tốt nghiệp đại học, vậy thì đã là mẫu người lý tưởng chưa? Tôi đã thử hỏi một bạn trẻ như thế thì bạn trẻ ấy trả lời rằng không, vì anh ta biết hai mẫu người tôi nói ở trên có lối ăn nói cộc lốc và chữ viết như “mèo cào”, kết quả của những tháng ngày chát chít a dua theo bạn bè trên mạng chứng tỏ cho mọi người ta đây cũng là kẻ sành điệu, cũng biết wé, wá, bít, iu nhìu lém đóa… cùng vô vàn các ngôn từ phá cách mà không ít người cho rằng có vậy mới hợp thời, có vậy mới đúng là dân sành điệu! Tôi cũng đã chứng kiến hai bạn trẻ ngồi gần bên tôi trong phòng net đang cố học lối viết lập dị kia. Vừa mang phone speaker vừa chát chít, gõ từng chữ một. “sao mày lại ghi bằng biết? bỏ mẹ nó chữ ê đi mới đúng chớ, đồ ngu!”, “Cái thằng này hâm rồi, giờ này mà còn xài chữ quá, wé mới đúng chứ!”. Đấy, sành điệu là thế đấy! Khủng khiếp chưa?
Thế rồi những kẻ đó lại mang ngôn từ méo mó ấy loan truyền khắp cư dân trên mạng, ngày này sang ngày khác, ngồi hằng giờ tán gẫu tán cuội với hằng loạt chuyện vô bổ trên đời, tạo nên một hiện tượng khá là nguy hiểm cho việc hình thành văn hóa, hình thành nhân cách, tức là giữ lấy cái đẹp cho mỗi con người. Một điều đáng lo nữa là không ít các bạn trẻ có học, có địa vị cũng lao vào cuộc chơi ngôn ngữ lập dị này lúc nào không hay, có vẻ như là mốt thời trang vậy, vô hình chung họ đồng hóa mình, làm cho cái đẹp vốn có trong con người họ bị suy giảm đi lúc nào không hay. Thật vô cùng đáng tiếc.
Tôi viết những dòng này không vì mục đích đả phá, vì có muốn “đả” cũng không nổi. Xã hội ngày nay đã tạo nên những con người như thế, thì dù có tài thánh đi nữa cũng không lay chuyển được. Chúng ta thử nghĩ xem, mỗi năm có hơn nửa triệu thanh niên thiếu nữ rớt đại học, vào đời với tấm bằng tú tài dỏm, tấm bằng “ưu ái” của ngành giáo dục chúng ta để họ làm được gì nhỉ? Để họ đi lang thang, hết ngồi quán cà phê rồi vào phòng net, để họ ăn rồi nhuộm hết màu tóc này đến màu tóc khác, sắm cái quần xệ này đến cái quần thụng khác, bám vào sự lao khổ của cha mẹ mà không hề biết cảm thông, khi hết tiền tiêu xài thì chỉ có nước đi làm bậy thôi. Điều này một phần lỗi là do họ, nhưng phần lỗi khác lớn hơn là do chính xã hội đã dung túng, mà không tạo cho họ nhận biết khả năng thực của mình để sống cho ra con người, để nhận biết văn hóa là gì? cái đẹp là gì?
Xin gióng lên một tiếng chuông gởi các bạn trẻ. Cái đẹp rất đáng quý. Biết giữ lấy cái đẹp còn quý hơn. Vậy thì xin hãy đừng đánh mất nó bằng những ngôn từ vô bổ và quái dị, nó sẽ trở thành thói quen. Và vô phúc cho ai trong cuộc đời bị những thói quen ấy ám ảnh và hành hạ. Đừng như thế nữa nhé! Các bạn nhỉ! Dừng lại đi! Dừng lại ngay đi và rũ bỏ nó ngay đi! Hãy để cái đẹp trong con người bạn bừng lên những điều cao cả như chính bạn đã có, và cũng để cho mọi người chung quanh trân trọng nét đẹp ấy của bạn. Phải không nào?

5 thoughts on “Cái đẹp

  1. Đôi lời xin thưa:
    Mới viết blog này được 1 ngày thì tác giả bị phản ảnh ngay lập tức, số cư dân “chuyên gia méo tiếng” thì không nói rồi vì họ có viết ra cũng chẳng ai hiểu, họ có chưởi thì cũng giống tiếng Ả Rập thôi, nhưng xin thưa lại đôi điều. Ở đây xin quý bạn hãy phân biệt 2 vấn đề tôi muốn nói: Tôi muốn phản ảnh việc làm méo tiếng Việt (distorted words) làm hỏng ngữ pháp và chính tả của tiếng nước ta, thí dụ như bít, nhìu, lun, iu, wá, wé, lém và một lô từ ngữ quái dị khác, còn việc viết tắt (brief), thí dụ “khg đc” = không được chẳng hạn, tất nhiên cũng không có gì đáng trách, tôi đâu có dám có ý kiến gì về việc này, vì nhịp sống công nghiệp hiện tại lắm khi ta cũng phải viết tắt, nhưng xin đừng để nó thành thói quen. Tất nhiên nếu viết rõ ràng ra hơn thì cũng sẽ rất tốt, vì sau này lỡ ra viết cái đơn hay một bài tiểu luận mà viết tắt theo kiểu này thì coi như hỏng việc ngay. Vài dòng xin bẩm báo.

  2. Nếu dùng những từ ngữ như bạn mô tả như bít, we, lém để nói chuyện hàng ngày thì đúng là có vấn đề (quá trẻ con không biết suy nghĩ, hâm,…).
    Bản thân mình không dùng những chữ kiểu ấy (distorted) vì cũng không quen, và đôi khi đọc những bài viết có nhiều chữ như thế thường nảy sinh sự phản cảm. Thường là dừng lại giữa chừng vì biết đây là người quá trẻ con viết, không nên phí thời gian chẳng hạn.
    Nhưng đôi khi trong một bài viết bỗng nhiên xuất hiện một chữ như thế thì cũng làm mình thấy hay hay, ví dụ tự nhiên thấy giọng nhí nhảnh trẻ con quá. Cái mình muốn nói là những cái từ đấy khi dùng với mục đích trêu ghẹo, và mật độ ít thì cũng không gây phản cảm gì. Thậm chí nếu dùng khéo và tài tình lại làm cho mình thấy được cái hay của tiếng Việt (qua đa sắc, đa màu).
    Cái bạn chỉ ra là có những người còn dạy nhau sao cho dùng đúng được từ “cho nó sành điệu” thì đúng là buồn cười quá thật. Mình không nghĩ lại có chuyện đấy ngoài đời nữa, chắc chỉ có vài cậu bé , cô bé lớp 5, lớp 6 mới có thể dạy nhau cái đấy. Trong bài viết của bạn, bạn bảo chứng kiến những bản trẻ dậy nhau như vậy, bạn có thể cho biết tầm họ bao nhiêu tuổi không ?
    Cái đoạn này :”Để họ đi lang thang, hết ngồi quán cà phê rồi vào phòng net, để họ ăn rồi nhuộm hết màu tóc này đến màu tóc khác, sắm cái quần xệ này đến cái quần thụng khác” thì lại hơi quá à. Thanh niên bây giờ thích trải nghiệm nhiều thứ, họ tìm đến những khám phá mới về bản thân, về fashion và nhiều thứ khác. Nhìn thế hệ cuối 8x và đầu 9x xem, họ trông đẹp hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Không nên đưa những cái này vào luôn chủ đề về văn hóa xuống cấp như vậy. Oài, tiếc mình cũng thuộc loại già rồi, bảo thủ rồi chứ nếu không cũng tóc màu này, quần trễ mất. Tội gì không khám phá mình chứ !
    À, thế bạn nghĩ sao về cái chuyện khi viết mà dùng từ tiếng nước ngoài một cách bừa bãi xen lẫn tiếng Việt ? Một số người đúng là dùng nó để thể hiện sành điệu thật, nhưng cũng có một số người dùng vì tự nhiên thấy nó diễn đạt đúng ý mình chẳng hạn. Nếu lạm dụng tiếng nước ngoài trong các phương tiện đại chúng thì đúng là không phải rồi, nhưng nếu ở những nơi rất cá nhân như blog chẳng hạn thì sao ? Bản thân mình lúc nói chuyện ngoài đời rất hạn chế dùng từ nước ngoài khi nói tới mức tối đa, nhưng khi viết linh tinh trên blog, mình đang viết tiếng Việt tự nhiên thuận tay thuận ý nghĩ trong đầu làm 1 câu hay một vài chữ tiếng Anh. Như thế có phải xuống cấp văn hóa không ?

  3. Chào anh chị,

    Em đã ghé thăm weblog này của anh chị, em muốn trao đổi một link đến site này của anh chị. Đây là địa chỉ trang của em
    http://giangdaytructuyen.blogspot.com, anh chị có thể ghé thăm để biết nội dung. Nếu được em rất vui, lưu ý là em đã add link của đến trang của anh chị vào site em rồi.

Bình luận về bài viết này